Xe khách giường nằm có an toàn hay không? Đường nào cấm xe khách giường nằm sẽ hạn chế tai nạn? Lái xe, doanh nghiệp... tác động thế nào đến sự an nguy của hành khách là những vấn đề được tranh luận sôi nổi tại buổi tọa đàm trực tuyến trên Báo Giao thông điện tử chiều nay, 19/9. 


XE CHẠY BAN ĐÊM NHƯNG TỔ AN TOÀN, GIÁM SÁT THIẾT BỊ HÀNH TRÌNH CHỈ LÀM... NGÀY
Xin hỏi ông Tống Duy Kim, ông biết doanh nghiệp quy mô nhỏ chỉ làm hình thức, đối phó, sao không xử lý, sao không tăng cường kiểm tra, qua nhiều vi phạm sẽ rút giấy phép kinh doanh chẳng hạn?
Ông Tống Duy Kim, Phó Giám đốc Sở GTVT Điện Biên:
Khi chúng tôi đến kiểm tra, trên sổ sách cho thấy doanh nghiệp ghi chép sổ sách rất đầy đủ. Xe hoạt động như thế nào, sửa chữa ra sao.
Còn đối với lỗi bộ phận phụ trách an toàn không theo dõi sát hoạt động của xe thì ta quy định chưa nặng, chưa thể rút phép. Chỉ có thể tăng cường tần suất kiểm tra, nhắc nhở doanh nghiệp chú trọng vấn đề đảm bảo an toàn, sử dụng các thiết bị giám sát hành trình.
Cũng chưa có quy định phải giám sát hành trình của xe 24/24 giờ. Kể cả với xe khách giường nằm chạy ban đêm. Đây là một bất cập, đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu xem xét bổ sung. (Đây cũng là đề xuất của ông Nguyễn Quốc Mạnh - Giám đốc Công ty CP ô tô Điện Biên).
Trước đây quản lý vận tải có thời gian quy định xe tư nhân không được chạy liên tỉnh. Giải quyết vấn đề này, về sau chúng tôi thành lập mấy HTX, 2 - 3 doanh nghiệp có dăm ba xe liên kết lại. Theo tôi đây cũng là một phương án để thực hiện điều chỉnh, giải quyết cả nhu cầu xã hội và bộ phận an toàn giao thông sẽ duy trì được hoạt động thực chất.
Vấn đề là quy mô doanh nghiệp, đề nghị Bộ quy định quy mô doanh nghiệp, để những đơn vị nhỏ, lẻ không đủ điều kiện kinh doanh vận tải phải hợp nhất, phải có phương án phát triển, chuyên nghiệp lên.
Xung quanh những kiến nghị của ông Nguyễn Quốc Mạnh và ông Tống Duy Kim về quy định điều kiện kinh doanh vận tải, ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cũng cho rằng: Đa số các đơn vị có quy mô trung bình trở lên (20 xe trở lên) thực hiện khá tốt các quy định về điều kiện kinh doanh hoạt động vận tải, còn các doanh nghiệp nhỏ chưa thực hiện tốt.
Năm 2013, Bộ GTVT đã mở đợt kiểm tra quy mô trên toàn quốc để chấn chỉnh điêu kiện hoạt động kinh doanh vận tải. Chúng tôi nghĩ rằng, trách nhiệm của các Sở GTVT phải thường xuyên kiểm tra từ khi cấp hồ sơ đăng ký kinh doanh lẫn kiểm tra định kỳ, để đôn đốc công tác này.
Với công tác đảm bảo ATGT, phải được các đơn vị kinh doanh vận tải coi như vấn đề sống còn của đơn vị, trở thành hoạt động tự giác thì mới đi vào bền vững được. Nhưng thực tế, nhiều đơn vị vẫn chưa thấy hết tầm quan trọng của công tác này, chỉ mới thực hiện mang tính hình thức. Như vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường thanh kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh để hoạt động kinh doanh vận tải hành khách dần đi vào trật tự. Việc quy định quy mô doanh nghiệp, chúng tôi cũng đang cân nhắc.
Thưa ông Nguyễn Văn Quyền, nếu chúng ta có quy định chốt trực thiết bị định vị GSHT 24/24h, chúng ta có thể tăng cường kiểm tra, phát hiện DN vận tải vi phạm nhiều lần, từ đó để rút giấy phép kinh doanh vận tải của DN yếu kém không đảm bảo an toàn, liệu có thực hiện được việc đó không?
Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN: Hiện chúng ta chưa có quy định nào bắt buộc đơn vị kinh doanh vận tải trực tuyến 24/24h để theo dõi thiết bị
GSHT. Vấn đề đưa ra quy định bắt DN trực thiết bị GSHT 24/24h có cần thiết hay không, có cần thiết thì ở mức độ nào, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, như xe chạy lộ trình ngắn không cần thiết, nhưng lộ trình dài thì lại cần thiết.
Có ý kiến cho rằng “khi đào tạo GPLX cần tính đến số km lái xe an toàn đã tích lũy và đào tạo GPLX theo kích thước xe chứ không nên theo số ghế ngồi”, xin ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, đề xuất đó có phù hợp với quy định hiện tại?
Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN
Ông Nguyễn Văn Quyền
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN
Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN: Quy định hiện hành là đào tạo lái xe theo nâng hạng, từ loại B lên C, D, E… Khi đào tạo chúng ta có quy định phải có thâm niên lái xe mới đào tạo nâng hạng. Cũng có ý kiến cho rằng quy định điều kiện thâm niên này chưa phù hợp, cần quy định số km lái xe an toàn.
Thực ra trước đây chúng ta đã thực hiện quy định này ở những công ty quốc doanh, HTX Nhà nước. Tuy nhiên, sau này, chúng ta thấy việc xác nhận số km lái xe an toàn rất hình thức, không thể kiểm chứng nên Luật Giao thông Đường bộ 2008 quy định chỉ quản lý về thời gian thể hiện trên GPLX.
Về đào tạo, khi lái xe khách giường nằm số giường ít nhưng kích thước xe lớn, chúng ta đã quy định lái xe giường nằm phải căn cứ theo kích thước xe để bố trí lái xe chứ không thể căn cứ số chỗ ngồi, chỗ đứng.
Về quy định điều kiện DN kinh doanh vận tải khách giường nằm, chúng tôi đang nghiên cứu và quy mô doanh nghiệp như thế nào, cần bao nhiêu xe, chúng tôi sẽ sớm đưa ra quy định phù hợp.
DOANH NGHIỆP VẬN TẢI KHÔNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN THÌ DỨT KHOÁT ĐỀ NGHỊ PHẢI CHUYỂN SANG LĨNH VỰC KHÁC, KHÔNG ĐỂ TỐT XẤU NHƯ NHAU
Với câu trả lời trên, là một doanh nghiệp vận tải, Giám đốc Công ty CP ô tô Điện Biên có thấy thỏa mãn không?
Ông Nguyễn Quốc Mạnh: Chủ tịch HĐQT Công ty CP vận tải ô tô Điện Biên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Điện Biên:  Tại đây, chúng ta đang bàn đến xe giường nằm.
Những điều kiện như trên tôi đề xuất, tôi cho rằng nếu doanh nghiệp không duy trì được điều đó thì không hy vọng có an toàn. Nếu không đủ điều kiện thì phải kiên quyết xử lý. Nếu không quy định giám sát hành trình 24/24h thì doanh nghiệp đối phó, đoàn kiểm tra đến trình ra nhật ký ghi lại hết từ thiết bị. Hoàn toàn có thể qua mặt quản lý, nhưng không có người theo dõi, giám sát kịp thời, nhắc nhở ngay khi vi phạm thì chắc chắn sẽ có chuyện xe rơi xuống vực rồi chúng ta mới chạy tới để xử lý. Như vậy thì chả còn ý nghĩa ngăn chặn được gì.
Quan điểm của tôi là nếu không đủ điều kiện chạy xe giường nằm thì nhất định phải chuyển qua loại hình khác, tuyến đường khác hoặc làm việc khác cho phù hợp. Không để những xe, những doanh nghiệp quản lý yếu kém gây tổn hại cho xã hội và cho các doanh nghiệp khác.
Một vụ xe khách giường nằm mất lái lao xuống sông tại đoạn cua khu vực cầu Minh An, thôn Khe Bịt, xã Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
Một vụ xe khách giường nằm mất lái lao xuống sông tại đoạn cua khu vực cầu Minh An, thôn Khe Bịt, xã Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái
Tôi xin nói thêm, về lái xe, tích lũy km an toàn là thông số rất quan trọng. Nếu không, dù có bằng lái đi nữa nhưng không tích lũy km an toàn thì không thể có kinh nghiệm, không thể đảm bảo an toàn, nhất là đối với xe giường nằm.
XE GIƯỜNG NẰM ĐI ĐƯỜNG ĐÈO DỐC PHẢI LÀ XE MỚI
Nếu chúng ta có bộ phận giám sát hành trình sát sao có giảm được việc xe khách chạy sai luồng tuyến hay không? Việc cấp phép cho chạy đến thành phố nhưng xe lại chạy đến Sa Pa có sai hay không, nếu việc giám sát hành trình được thực hiện tốt thì có quản lý được không?
Ông Nguyễn Văn Thạo - Phó Sở GTVT Lào Cai
Ông Nguyễn Văn Thạo
Phó Sở GTVT Lào Cai
Ông Nguyễn Văn Thạo - Phó Giám đốc Sở GTVT Lào Cai: Vận tải khách bằng xe giường nằm lên Sa Pa có 91 xe đăng ký hoạt động, kể cả huyện vùng cao Bắc Hà hoặc các huyện vùng cao khác nhu cầu xe khách giường nằm về Hà Nội hoặc Quảng Ninh, Hải Phòng là rất lớn.
Sau vụ tai nạn ngày 1/9 vừa qua, chúng tôi cũng có trao đổi, việc quản lý Nhà nước theo dõi hoạt động, hành trình của xe và cảnh báo cho họ thì Sở GTVT không theo dõi trực tiếp được vì chi nhánh của doanh nghiệp đặt ở Hà Nội. Còn việc quản lý cấp giấy phép do Sở GTVT Hà Nội cấp.
Việc chạy sai tuyến thì tất cả các ngành đã được khẳng định. Còn việc tuần tra kiểm soát trên đường, về quản lý Nhà nước khi đã vào địa phận của tỉnh thì có một phần trách nhiệm của Lào Cai. Tuy nhiên, theo dõi bằng giám sát hành trình thì không thuộc chức năng của Sở GTVT Lào Cai.
Lào Cai có 2 cao nguyên, nhu cầu đi lại là rất lớn. Các quy định của Bộ GTVT đầy đủ, sự chỉ đạo quyết liệt, tuy nhiên trong thực tiễn đôi khi có những vấn đề chúng ta chưa kiểm soát được hết.
Hiện nay, một số doanh nghiệp sử dụng xe cũ. Ví dụ, chạy Đà Nẵng lâu rồi, lại rút về chạy ở Lào Cai, việc này chúng tôi không đồng ý. Lào Cai không phải là nơi chứa xe thải loại. Vì vậy tôi đề xuất với Thứ trưởng đối với các xe cần kiểm soát kỹ. Hay với những xe cải tạo thành gường nằm, cần kiểm soát và có những quy định chặt chẽ.
Báo cáo Thứ trưởng, có một số nội dung liên quan đến người lái xe, các quy định đã rất rõ ràng, nhưng trên thực tế lại có hiện tượng lái xe không chấp hành. Ví dụ như lái xe 4 tiếng đồng hồ, nhưng có những lái xe lái suốt 8-10 tiếng.
Gần đây, chúng tôi tiếp nhận một số đề nghị của doanh nghiệp cho xe cũ chạy trên địa bàn tỉnh nhưng chúng tôi chưa đồng ý. Mặc dù doanh nghiệp có danh sách đầy đủ, phương án hoạt động đảm bảo để cấp phép. Vì vậy chúng tôi đề nghị có những chỉ đạo kịp thời để có hướng xử lý vấn đề này.
Tôi đề xuất, riêng với xe khách giường nằm đi đường đèo dốc phải quy định là xe mới.
XẾP HÀNG KHÔNG HỢP LÝ VÀO CUA DỄ LẬT XE
Các vị khách mời có ý kiến gì thêm về vấn đề này?
Ông Hoàng Thế Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ ATGT
Ông Hoàng Thế Tùng
Phó Vụ trưởng Vụ ATGT
Ông Hoàng Thế Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ ATGT: Vấn đề siết chặt an toàn với xe giường nằm, như các vị khách mời có nói, tôi rất đồng tình. Vấn đề an toàn kỹ thuật, các tiêu chí an toàn đã được nước ngoài kiểm chứng.
Tuy nhiên vấn đề ở đây là điều kiện tại Việt Nam hoàn toàn khác, trình độ lái xe của ta còn bất cập. Kỹ thuật của xe tốt nhưng cách sử dụng như thế nào? Chưa tốt. Xe giường nằm hầm hàng rất to. Các vụ tai nạn xảy ra thường được kết luận lý do lái xe không làm chủ tốc độ nhưng theo tôi nguyên nhân sâu xa là do xe chở quá tải. Khi xảy ra va chạm tỷ lệ gây hại cho con người rất cao do xe chông chênh, dây đai bảo vệ kém chắc chắn.
Sau vụ tai nạn xảy ra với xe giường nằm tại Lào Cai ngày 1/9, có nhiều người nước ngoài bình luận về sự khác biệt giữa xe giường nằm ở VN và ở bên Tây, trong đó có ví dụ cụ thể, hình ảnh về dây đai không chắc chắn, gây tổn thương cho hành khách. Thêm vào đó là yếu tố chủ quan của lái xe và  cách bố trí hàng hóa trên xe không hợp lý, thiếu cân bằng, thiếu ổn định, khi vào cua hàng hóa xê dịch gây mất trọng tâm dẫn đến lật xe.
Về việc nghiên cứu quản lý xe giường nằm, cần xem xét lộ trình, tuyến hoạt động, điều kiện hoạt động, sửa đổi Thông tư 18 về mô hình doanh nghiệp được chạy xe giường nằm. Giám sát xe giường nằm như thế nào, thiết bị giám sát hành trình sử dụng thế nào, tăng cường giám sát ra sao. Đây là những yếu tố rất quan trọng quyết định việc đi xe giường nằm có thực sự an toàn hay không.
Các khách mời có trao đổi về quản lý lái xe, đây là ý kiến hay. Nay đã có thiết bị GSHT, có thể quản lý lái xe, thêm phần lý lịch lái xe, Nghị định 86 đã yêu cầu điều này. Và khi hồ sơ lý lịch lái xe đã được thể hiện rõ ràng, công khai, không doanh nghiệp nào dại gì mà thuê lái xe ẩu, lý lịch xấu.

Chúng tôi trên Facebook


Popular Posts

Blogger news

Blogroll